Thứ Hai, 27 tháng 2, 2012

Kỷ nguyên hậu PC: Apple và Microsoft dẫn chúng ta đi đâu

Lap trinh di dong Lap trinh mobile Lap trinh Android Lap trinh IOS Hoc lap trinh di dong Hoc lap trinh mobile Lap trinh PHP Hoc PHP Lap trinh Java Hoc Java Tuyen lap trinh vien php Tuyen lap trinh Java


 Windows 8 và OS X Mountain Lion đều đang ở giai đoạn beta mở rộng. Những thay đổi quan trọng trong 2 hệ điều hành này được cho là sẽ tạo ra những tác động mạnh mẽ và đưa kỷ nguyên hậu PC lại gần hơn.
Chỉ một vài ngày nữa, phiên bản Windows 8 thử nghiệm rộng rãi (public beta) của Microsoft sẽ ra mắt người dùng. Theo Microsoft, đây là phiên bản hệ điều hành có những thay đổi rất quan trọng kể từ sau Windows 95. Sau đó vài tuần, chúng ta có thể sẽ có được các thông tin chi tiết về hệ điều hành Mac OS X 10.8 Mountain Lion của Apple.
Với thông tin và trải nghiệm có được từ các phiên bản thử nghiệm, có thể thấy cả Windows 8 và OS X Mountain Lion sẽ tạo ra những thay đổi đáng kể đối với diện mạo lĩnh vực diện toán cá nhân. Và đó cũng là lý do tại sao có những dự báo cho rằng máy tính truyền thống sẽ suy vong trong vài năm tới. Mặc dù hai hệ điều hành này khác nhau, song cả hai "ông lớn" Microsoft và Apple lại cho thấy những điểm chung trong chiến lược phát triển.

Apple đã nhắm tới chiến lược thống nhất này khi phát triển hệ điều hành iOS của mình như một phiên bản di động của Mac OS X và thành công lớn với iPhone kể từ năm 2007. 16 tháng trước đây, cố chủ tịch Steve Jobs đã đưa ra chiến lược hội tụ OS X/ iOS và CEO đương nhiệm là Tim Cook mới tái khẳng định chiến lược này tuần trước.

Sau một khoảng thời gian khá dài loay hoay với định hướng điện thoại thông minh nhắm vào đối tượng người dùng mạng xã hội trẻ tuổi (như điện thoại Kin và tiếp đó Windows Phone 7), Microsoft nhận ra thiếu sót của mình trong việc phát triển không gắn với lĩnh vực máy tính truyền thống và bắt đầu đưa ra chiến lược tương tự Apple.

Windows 8 sẽ thừa hưởng những tinh túy của hệ điều hành Windows 7 và Windows Phone 7. Nó sẽ hoạt động trên cả các nền tảng x86 và ARM. Hệ điều hành dành cho các thiết bị di động Windows Phone cũng đang được tinh chỉnh lại như một phần của hệ sinh thái Windows 8, và được các nhà phân tích trông đợi sẽ là phiên bản Windows Phone đầu tiên có thể cạnh tranh thật sự với iOS và Android trong năm 2013.
Giao diện Metro của Microsoft

Việc một thế lực trong lĩnh vực máy tính truyền thống là Microsoft và quyền lực mới nổi trong lĩnh vực điện toán cá nhân là Apple có cùng chiến lược phát triển đã khẳng định sự chuyển dịch của ngành công nghiệp này trong cả hai lĩnh vực người dùng cá nhân và doanh nghiệp. Như thường lệ, sự chuyển dịch sáng cái mới sẽ bắt nguồn từ quá trình sử dụng rộng rãi của người dùng cá nhân, sau đó là doanh nghiệp ứng dụng. Sau đó các doanh nghiệp tin học sẽ nhận ra sự thay đổi rõ rệt này và thích nghi với nó. Sự thay đổi này đơn giản chỉ là vấn đề thời gian.

Hãy thử nhìn sang Google. Hệ điều hành Android và chiến lược hãng này đang thực hiện với Chrome cũng có nhiều nét tương đồng với những gì Apple và Microsoft đang làm. Chỉ có điều Google giả định rằng, cuối cùng thì các ứng dụng trên máy tính truyền thống sẽ không còn, chúng sẽ bị thay thế bởi các ứng dụng HTML5 trên nền điện toán đám mây. (Các ứng dụng Android có vẻ như không được nhắm tới việc sẽ thay thế các ứng dụng máy tính truyền thống mà sẽ cạnh tranh với iOS).

Tuy nhiên, khả năng mà Google mô tả vẫn còn quá xa vời, cho nên Apple và Microsoft không đi theo hướng đó, mà những gì họ đang làm giống như việc xây cầu nối hiện tại và tương lai. Có thể cho tới ngày mà Apple và Microsoft dẫn dắt chúng ta bước qua cây cầu đó, một số sẽ chuyển sang hẳn với Google. Nhưng cho đến ngày đó, Google sẽ là một khu vực tách biệt bên cạnh công trình của Apple và Microsoft.

Sau đây là những điểm chung trong chiến lược của Apple và Microsoft và những điểm khác biệt của 2 doanh nghiệp này khi thực hiện chiến lược đó.
 
Điểm mốc cuối không phải là mục tiêu chính
Về cơ bản, chiến lược này thể hiện việc không lấy điểm mốc cuối làm mục tiêu chính. Thay vào đó, một nền tảng điện toán linh hoạt sẽ là mục tiêu. Người dùng là điểm cuối mới, với khả năng sử dụng nhiều thiết bị di động khác nhau trong những điều kiện khác nhau, đôi khi là trong cùng một lúc. Các thông tin, dịch vụ, ứng dụng sẽ đồng nhất trên hàng loạt thiết bị thông qua các dịch vụ đám mây như iCloud của Apple và Windows Live của Microsoft, cũng như các dịch vụ tương tự khác của các bên thứ 3 như Google Docs, Box.net hay Dropbox.

Về phía các đơn vị công nghệ thông tin (CNTT), các chiến lược quản lý và bảo mật hướng vào thiết bị cũng phải thay đổi. Họ sẽ phải chuyển sang chế độ quản lý và bảo mật theo kiểu chính sách kết hợp nhận dạng người dùng cùng với quản lý quyền truy xuất thông tin của họ. Ứng dụng sẽ phải xử lý các quyền truy xuất thông tin này, khi mà việc quản lý người dùng sử dụng ứng dụng từ thiết bị hay trên đám mây ngày càng khó khăn hơn.

Các đơn vị IT của doanh nghiệp cần vượt ra ngoài khái niệm về các ứng dụng khi thiết lập tường lửa cho các điểm cuối như cách đang làm với các thiết bị của người dùng như hiện thời. Đồng thời, các nhà phát triển hệ điều hành và ứng dụng cũng cần tạo ra công cụ quản lý thông tin theo cách mới cho bộ phận CNTT của doanh nghiệp.

Hay nói cách khác, sẽ không có vành đai bảo vệ nào mà bản thân thông tin truy xuất sẽ đảm bảo việc xác thực quyền truy cập nó. Các công cụ quản lý sẽ phải đối chiếu giữa quyền của người dùng và quyền truy xuất nội dung để áp dụng chính sách phù hợp cho 2 yếu tố kết hợp đó. Các nhà cung cấp giải pháp quản lý di động lớn như Good Technology, MobileIron và SAP Sybase đều đang đi theo hướng này.

Ở một chừng mực nào đó Microsoft (thông qua System Center) và Apple (thông qua OS X Server) cũng đang làm điều tương tự. Một số nhà cung cấp đã đưa ra các API quản lý thông tin cho các nhà phát triển ứng dụng di động, tuy nhiên chúng đều gắn với các công cụ quản lý cụ thể, không có khả năng mở rộng phạm vi, và rất khó thống nhất về một chuẩn nhất định. Với các ưu thế đang có về mặt thị trường, đây cũng là điểm mà Apple và Microsoft nên ngồi lại với nhau để thiết lập ra một chuẩn chung, chắc chắn sẽ mang lại lợi ích không nhỏ trong tương lai.

Trong quá khứ, khi mà lần lượt Apple rồi Google chấp nhận giao thức Exchange ActiveSync (EAS) của Microsoft cho việc quản lý thiết bị, họ đã tạo điều kiện cho các đơn vị phụ trách CNTT có cơ hội mở rộng các thiết bị di động sử dụng trong doanh nghiệp ra ngoài các thiết bị BlackBerry. Kết quả là nó đã mở màn cho trào lưu BYOD (Bring Your Own Device - nhân viên dùng thiết bị cá nhân để làm việc), dẫn tới việc các nhà cung cấp phần mềm nhận thức được nhu cầu người dùng và doanh nghiệp tốt hơn qua đó cung cấp các sản phẩm tốt hơn. Giờ đây, có lẽ chúng ta cũng cần một cú hích tương tự EAS trong lĩnh vực quản lý truy cập thông tin.

Kết thúc thời kỳ “bưng bít” dữ liệu

Sự lưu chuyển thông tin và dữ liệu thông suốt là yêu cầu cơ bản trong thiết kế của nền tảng Windows 8 và cặp đôi OS X/iOS nền tảng đám mây. Galen Gruman của Infoworld gọi sự phối ghép này của Apple là "iOS X" thay vì tên gọi "MiOS" trước kia với lý do Apple đã bỏ từ "Mac" ở phần tên gọi hệ điều hành dành cho máy tính của mình.

Cả Windows 8 và OS X đều phân biệt dữ liệu lưu trên thiết bị và dữ liệu “trên mây” trong giao diện lập trình ứng dụng (API) của các nhà phát triển và trong giao diện quản lý tài liệu của người dùng (iOS lại không phân biệt điều này - tất cả dữ liệu trên thiết bị đều có thể được đồng bộ hóa lên “mây”). Đối với các nhà phát triển, điều này là tác nhân chính trong việc các dữ liệu của người dùng có thể được đồng bộ vào bất kỳ lúc nào với tất cả các thiết bị khác của người dùng chứ không còn bị gói gọn trên bản thân thiết bị nữa. Thay vì việc phải lưu các tiến trình thực hiện trong bộ nhớ đệm và ghi liên tục lên ổ cứng (như máy tính truyền thống), các thay đổi này sẽ được lưu theo thời gian thực và đồng bộ nhanh chóng qua Windows Live hay iCloud.
iOS không khi nào yêu cầu lưu file, công việc bạn làm sẽ được lưu song song trong quá trình thao tác trên máy. OS X Lion cũng đã đưa phương thức này tới máy tính truyền thống vào mùa hè năm ngoái. Hệ điều hành Lion sẽ lưu file của bạn ngay trong tiến trình xử lý, các phiên bản cũ trước thời điểm lưu file sau cùng sẽ được xác lập như các mốc cố định để người dùng truy xuất xử lý nếu có nhu cầu. Windows 8 cũng có cách tiếp cận tương tự.
Tính năng trên có vẻ nằm ngoài sự quan tâm của nhiều người dùng song nó chính là lý do mà Apple giới thiệu iCloud, một ứng dụng ban đầu ngụy trang dưới dạng một dịch vụ đồng bộ dữ liệu đơn thuần. Trong tương lai, iCloud chắc chắn sẽ phát triển thành một dịch vụ lưu trữ đám mây linh hoạt đa năng hơn nhiều. Việc Microsoft đẩy mạnh dịch vụ Windows Live và tích hợp chặt chẽ với Windows 8 cũng vì lý do tương tự. Việc đồng bộ sẽ được mở rộng hơn chứ không chỉ bao gồm dữ liệu đơn thuần. Tại văn phòng, bạn có thể dùng máy tính bảng làm nốt công việc mà bạn đang làm dở trên máy tính ở nhà.

Giao diện và ứng dụng hội tụ

Có 3 thay đổi quan trọng trong Mountain Lion, những điều mà trước đây chỉ được coi là nâng cấp tính năng của phiên bản OS X Lion 2011. Đầu tiên là việc thiết kế dính sâu hơn nữa tới điện toán đám mây. Thứ 2 là tích hợp sâu với mạng xã hội. Cuối cùng chính là việc hội tụ các ứng dụng mang tính “cá nhân” của người dùng giữa hai hệ điều hành iOS và OS X.

Apple đã đưa một số tính năng trước đây chỉ có trên phiên bản dành cho thiết bị di động iOS sang OS X Mountain Lion, như Reminder (nhắc việc), Note (ghi chú) và Message (tin nhắn tức thời). Hãng cũng đưa cơ chế hiển thị thông báo nhắc nhở từ iOS sang OS X Mountain Lion, đồng thời với việc đổi tên sổ địa chỉ Address Book trong Mac thành Contacts như của iOS. Ứng dụng iCal của Mac cũng được đổi thành Calendar như được dùng trên iOS. Các thay đổi này của OS X Mountain Lion càng làm tăng khả năng iOS sẽ có thêm nhiều tính năng mới vào cuối năm nay, đồng nghĩa với việc Apple đang tích cực “lai tạo” hai hệ điều hành OS X và iOS.

Tất nhiên đây chỉ là những thay đổi nhỏ về mặt công nghệ, nhưng mục đích của nó không gì khác là đảm bảo người dùng sẽ càng ngày càng ít nhận thấy sự khác biệt trong sử dụng khi chuyển đổi qua lại giữa điện thoại thông minh, máy tính bảng và máy tính Mac. Với phiên bản Lion ra mắt năm ngoái, Apple đã rất thành công với việc mang giao diện cảm ứng của iOS sang Mac. Mountain Lion thậm chí hứa hẹn còn làm được nhiều hơn thế. Với những người làm việc chủ yếu trên Mac và các thiết bị iOS, không gì tuyệt vời hơn khi chuyển đổi qua lại giữa các nền tảng thiết bị khác nhau mà không mất thời gian làm quen, công việc không bị gián đoạn. Nó mang tới một môi trường làm việc duy nhất trên mọi thiết bị - đó chính là mục đích cuối cùng của chiến lược hội tụ này.

Microsoft cũng có chiến lược giống như Apple, thậm chí còn sớm hơn. Giao diện Metro được dự kiến hoạt động trên tất cả các thiết bị cài hệ điều hành Windows 8 như máy tính để bàn, máy tích xách tay và máy tính bảng. Nó cũng đã hiện diện trên các thiết bị cài Windows Phone 7 được một thời gian. Nó mang tới môi trường làm việc được đánh giá cao của Windows 7 trên các thiết bị chạy hệ điều hành của Microsoft.

Mắc mứu duy nhất ở đây nằm ở giao diện người dùng, bởi lẽ Metro không thể chạy các ứng dụng theo kiểu truyền thống mà đa phần người dùng Windows ưa thích. Các ứng dụng trên nền x86 có những khác biệt cơ bản với các ứng dụng theo kiểu độc lập (widget) của Metro. Microsoft đã hứa hẹn sẽ thiết kế lại hệ điều hành nhằm khắc phục điểm này, một phiên bản Office “đầy đủ tính năng” đang được làm lại cho các thiết bị có giao diện Metro trên nền tảng ARM. Bên cạnh đó, các công cụ phát triển WinRT của hãng cũng hứa hẹn sẽ mang tới những ứng dụng “thực sự Windows” cho Metro.
 
Điều này có vẻ ngược lại với xu hướng đang thịnh hành trên iOS với hàng ngàn ứng dụng kiểu máy để bàn trên App Store. Hãy hy vọng Microsoft làm được điều họ hứa là làm cho các ứng dụng “thực sự Windows” chạy với Metro. Bằng không, nếu Metro vẫn mắc kẹt với việc chỉ chạy các ứng dụng theo kiểu widget, Microsoft buộc lòng phải chấp nhận sự thua kém về thị phần trong mảng thiết bị di động. người dùng sẽ tiếp tục lựa chọn các thiết bị di động chạy hệ điều hành iOS và Android để đồng hành cùng với máy tính cá nhân của mình cho dù nó chạy Mac hay Windows.
Có thể khẳng định rằng về mặt hội tụ đa nền tảng, Windows 8 chưa bì kịp với iOS vì các lý do liên quan tới giao diện và ứng dụng như đã nói ở trên. Thay vào đó, chúng ta sẽ có 2 phiên bản Windows 8 hoạt động riêng rẽ tương ứng với 2 kiểu giao diện. Điều đó sẽ làm cho các trải nghiệm ban đầu của người dùng với Windows 8 sẽ có chút rắc rối vì không tìm thấy điểm tương đồng khi chuyển đổi qua lại giữa các nền tảng phần cứng khác nhau. Nhưng có vẻ như Windows 8 đóng vai trò chính trong chiến lược phát triển hệ điều hành của Microsoft - giao diện Metro sẽ bắt đầu "hấp thu" các giao diện Windows truyền thống trong các phiên bản tiếp theo. Và Microsoft phải nhanh chân, vì Apple đã bắt đầu quá trình hội tụ này từ cả 5 năm trước, còn Microsoft mới chỉ thực sự nghiêm túc với vấn đề này vào năm ngoái.

Tích hợp mạng xã hội
 
iOS 5 tích hợp Twitter, Mountain Lion cũng tích hợp mạng xã hội này và hỗ trợ vài mạng xã hội khác. Về mặt này, Microsoft vẫn thua xa Apple trong lĩnh vực tích hợp mạng xã hội vào điện thoại thông minh và hãng đang cố gắng sửa chữa điều này với việc tích hợp mạng xã hội trong Windows 8.
Việc tích hợp này không có nghĩa là người dùng khởi chạy ứng dụng mạng xã hội tương ứng và truy cập sử dụng dịch vụ. Nó bao gồm việc am hiểu các kênh thông tin mà người dùng sử dụng để kết nối ra bên ngoài. Ứng dụng và hệ điều hành phải nắm rõ và cho phép thực hiện các tiến trình này.

Trong các hệ điều hành Android, Linux và Windows Phone 7 đều có ứng dụng dạng “social hub” phục vụ cho nhu cầu sử dụng mạng xã hội của người dùng, tuy nhiên đa phần chúng đều hoạt động không thực sự ấn tượng. Có lẽ chỉ nên coi các dịch vụ mạng xã hội như các API về truyền thông và người dùng sẽ sử dụng đến nó khi có các nhu cầu cụ thể.

Với việc các API liên quan tới mạng xã hội được tích hợp thẳng vào nhân của hệ điều hành, các luồng truyền thông của người dùng sẽ trở nên phức tạp hơn và trở thành cơn ác mộng cho bộ phận IT của doanh nghiệp - việc cấm dùng Twitter hay Facebook sẽ trở nên khó khăn hơn bao giờ hết.

Một khía cạnh không kém phần quan trọng khác nữa là bảo mật quyền riêng tư người dùng trước sự nhòm ngó của tin tặc, các website, nhà cung cấp, nhà tuyển dụng hay đơn giản chỉ là những người xung quanh. Chúng ta đã chứng kiến quá nhiều các vụ tai tiếng liên quan tới việc lén lút thu thập thông tin cá nhân người dùng. Bản thân Facebook là một ví dụ rõ ràng nhất cho việc này. Những vụ việc liên quan đến bán dữ liệu người dùng đang khiến Facebook phải chịu sự giám sát của cơ quan hành pháp liên bang
. Google và Path cũng đã bị phát giác có các hành động tương tự. Các doanh nghiệp này đã bị khởi kiện tại một số bang trong đó có California và thậm chí nghị viện Mỹ cũng đã xem xét các vụ này sau nhiều năm than phiền các nhà chức trách châu Âu quá quan tâm tới sự riêng tư của người dùng.
Hiện vẫn chưa rõ Microsoft sẽ xử lý vấn đề này như thế nào trong Windows 8. Apple đã chính thức cấm các nhà phát triển tự tiện lấy các thông tin riêng tư của người dùng mà không xin phép trước. Nhưng sau khi “tóm” được một số ứng dụng iOS vi phạm quy chế này, Apple đã tuyên bố hệ điều hành của mình sẽ chủ động đóng vai trò kiểm soát việc này nhất là đối với các thông tin liên quan tới vị trí địa lý. OS X Mountain Lion thêm vào các tính năng quản lý chia sẻ rõ ràng đối với các thông tin cá nhân của người dùng trong phần cập nhật Contacts. Hy vọng Microsoft sẽ làm điều tương tự như Apple, dựng nên các rào chắn công nghệ trước các đối tượng chuyên “rình mò” thông tin cá nhân như Google và Facebook.

Một môi trường an toàn hơn, đơn giản hơn, nhưng bó buộc hơn
 
Điều khá trớ trêu trong kỷ nguyên đa kênh, đa thiết bị, đa nền tảng, dữ liệu điện toán đa luồng ngày nay lại là sự nổi lên của các môi trường trung tâm mà Apple và Microsoft nắm quyền điều khiển.
Khi bạn là người dùng OS X, bạn phụ thuộc vào Apple. Đối với người dùng iOS, họ không thể tìm được ứng dụng ở đâu ngoài App Store (trừ khi chấp nhận rủi ro khi jailbreak thiết bị), cũng như bị cuốn hút bởi quá nhiều các nội dung giải trí hấp dẫn trên iTunes.

Apple vốn bị công kích rất nhiều khi kiểm duyệt nghiêm khắc “siêu thị” ứng dụng của mình nhưng lại đảm bảo được các thiết bị iOS sẽ an toàn khi sử dụng các sản phẩm tại đây chứ không bất an trước các nguy cơ xâm hại vốn đang phổ biến trên máy tính Windows và các thiết bị Android. Khả năng đồng bộ của người dùng thiết bị Apple cũng cao hơn khi iCloud cho phép đồng bộ cả tiến trình công việc trên các thiết bị iOS X. Trong khi đó người dùng Windows vẫn chỉ có thể đồng bộ các nội dung cơ bản như e-mail, bookmark trình duyệt, danh bạ, ảnh và lịch trên các dịch vụ điện toán đám mây.
Microsoft vẫn đang trong quá trình hoàn thiện hệ sinh thái của mình và nó sẽ xoay quanh Windows 8 và Windows Phone 7. Với các dịch vụ cộng tác như Office 365 và SharePoint, các dữ liệu đồng bộ và xử lý được giữa các thiết bị Windows với nhau. Các ứng dụng Metro chỉ có thể mua được tại Microsoft Windows Store theo cách mà Apple đang làm. Với những gì được chứng kiến về dự án Zune, có thể thấy Microsoft đã thua trong việc đối đầu với iTunes. Do vậy cạnh tranh trong lĩnh vực giải trí và nội dung số hiện chưa phải là ưu tiên hàng đầu của Microsoft hiện giờ.
OS X Mountain Lion giới thiệu một tính năng mới cho phép vô hiệu hóa việc cài đặt ứng dụng trừ khi nó được tải từ Mac App Store hoặc là ứng dụng đó đã được Apple xác nhận về danh tính nhà phát triển. điều này sẽ giúp cho việc ngăn chặn các phần mềm độc hại phát tán trên máy Mac và chấm dứt trò rượt đuổi vô vọng giữa các phần mềm nhận diện và ứng dụng độc hại. Với phiên bản OS X Mountain Lion này, chỉ các ứng dụng an toàn (hoặc do các nhà phát triển được chứng nhận phát hành) mới có thể cài đặt. Nhưng cũng giống với Android, Mountain Lion cho phép người dùng có thể tự tắt tính năng này để có thể cài đặt được các ứng dụng có từ trước thời điểm Apple cấp chứng nhận định danh cho các nhà phát triển. Rõ ràng là Apple đang hướng tới việc quản lý chặt chẽ OS X như đã làm với iOS.

Việc xếp hạng an toàn này còn có tác dụng hướng các nhà phát triển quy tụ vào một mối và chịu sự quản lý của hãng sở hữu hệ điều hành. Các nhà phát triển có thể phàn nàn song thực tế là họ kiếm được nhiều tiền khi bán ứng dụng trên App Store hơn là việc phát hành truyền thống thông qua Amazon.com hay Best Buy. Vấn đề liên quan tới kinh tế duy nhất đối với các nhà phát triển không phải là sự cắt giảm của Apple (hay Microsoft) mà chính là thực tế giá bán ứng dụng di động thấp hơn so với ứng dụng máy tính. Khi các thiết bị di động hội tụ với máy tính, mức giá thấp đó sẽ trở nên phổ biến.

Các nhà phát triển chắc chắn cũng không thích cung cách độc đoán trong việc phân phối ứng dụng của Apple. Họ chỉ có thể thông qua App Store để phân phối sản phẩm tới người dùng iOS, điều tương tự chắc chắn sẽ được Apple áp dụng cho OS X. Microsoft đang làm hệt như vậy với các ứng dụng Metro trong Windows 8 và trong tương lai không xa, các ứng dụng cho hệ điều hành này cũng sẽ có chứng chỉ xác nhận.

Vấn đề ở đây không phải là môi trường đóng mà là chính bản thân Apple và Microsoft tham gia trực tiếp vào quá trình kinh doanh. Apple đã tạo ra một cộng dồng của riêng mình và luôn chăm sóc để họ cảm thấy hài lòng khi tham gia chứ không phải bị gò bó. Về phía Microsoft, với nhiều kinh nghiệm thương đau trong các vấn đề liên quan tới độc quyền, hãng luôn tránh sự kiểm soát thái quá trên môi trường các thiết bị chạy Windows của mình. Với chiến lược hội tụ này, các hiểm họa về độc quyền bị xóa bỏ và Microsoft sẽ trở lại nắm quyền sinh sát hệt như Apple đã làm.

Cả 2 "đại gia" công nghệ này đều đang đi theo con đường phát triển của AOL. Trong lĩnh vực dịch vụ trực tuyến, AOL có một cộng đồng người dùng trung thành hài lòng với dịch vụ của mình mặc dù phải cạnh tranh với rất nhiều đối thủ khác. Sau một thời gian, AOL quyết định “giam hãm” người dùng của mình và tìm cách khai thác tối đa lợi nhuận từ họ. Kết quả là người dùng lũ lượt rời bỏ không sử dụng dịch vụ AOL. Bài học này chắc chắn là tấm gương cho Apple và Microsoft khi tiến hành các động thái tương tự. Duy chỉ có điều cả 2 "đại gia" này sẽ thực hiện tốt hơn AOL về việc xây dựng hệ sinh thái của riêng mình.

Lời kết

Cả Windows 8 và OS X Mountain Lion đều chưa được chính thức phát hành, nhưng đều đã cho thấy khả năng và vai trò của chúng trong tương lai. Chúng ta chắc hẳn đã ít nhiều đã thử qua các trải nghiệm này khi sử dụng iPhone, iPad hay máy tính Mac có cài OS X Lion. Các trải nghiệm tương tự cũng sẽ đến với những ai đã và đang dùng Windows Phone 7, Android và Google Docs. Chúng ta sẽ được chứng kiến và trải nghiệm xu thế hội tụ này nhiều hơn nữa sau khi OS X Mountain Lion và Windows 8 chính thức ra mắt.

Việc phụ thuộc vào một nền tảng hệ điều hành thoạt nhìn thì có vẻ rất khó chịu, song tương lai lại có vẻ hấp dẫn. Nó giải phóng người dùng khỏi việc bận tâm quản lý một mớ các ứng dụng cùng thiết bị lủng củng. Nó giúp cho người dùng có thể làm việc, chia sẻ, học tập và thư giãn ở bất kỳ đâu. Nếu bạn từng chứng kiến và ngạc nhiên với sự thay đổi mà iPhone và iPad mang lại kể từ sau khi chúng ra mắt, chắc hẳn bạn cũng tin rằng Apple và Microsoft sẽ mau chóng hiện thực hóa được những kế hoạch của họ trong thời gian tới.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét