Phát triển ứng dụng cho thiết bị
di động đã trở thành một trong những ngành công nghiệp "hot" thời gian
qua và ngày càng nhiều doanh nghiệp cũng như các lập trình viên độc lập ở
Việt Nam tham gia.
Thị trường ứng dụng di động mới hình
thành được 5 năm sau khi Apple trình làng App Store vào tháng 7/2008 và
khi đó cũng mới chỉ có khoảng 500 app. Tuy còn mới mẻ, App Store hiện đã
có hơn 1 triệu ứng dụng với 60 tỷ lượt tải theo lời Tim Cook, CEO
Apple, tại lễ công bố iPad Air và iPad Mini Retina ngày 22/10. Ra đời
sau, nhưng Google Play cũng đã sớm cán mốc 1 triệu ứng dụng Android và
50 tỷ lượt tải từ tháng 7/2013.
![]() |
Phát triển ứng dụng di động đang trở thành ngành hot.
|
Giống như giai đoạn bùng nổ dot-com hơn
một thập kỷ trước, ứng dụng di động đang trở thành nguồn cảm hứng mới
cho các doanh nhân và lập trình viên trẻ. Họ coi smartphone và tablet là
công cụ để khám phá, sáng tạo và chinh phục thế giới. Chỉ riêng App
Store cũng đã tạo ra hẳn một ngành kinh tế tiền tỷ: Apple đã trả hơn 13
tỷ USD cho các chuyên gia phát triển. Hãng nghiên cứu ABI Research dự
đoán rằng doanh thu từ ứng dụng trên thiết bị di động sẽ đạt 46 tỷ USD
vào năm 2016.
Tuy nhiên, phía sau các con số hấp dẫn
ấy là những cuộc cạnh tranh đầy khốc liệt. Giới truyền thông đã đăng tải
nhiều câu chuyện khởi nghiệp về những công ty non trẻ với văn phòng chỉ
vài người nhưng kiếm về khoản tiền lớn nhờ viết ứng dụng, hình thành
những giấc mơ triệu đô cho các lập trình viên. Tuy nhiên, thực tế cho
thấy những tấm gương như Foursquare, Angry Birds hay Instagram chỉ chiếm
tỷ lệ nhỏ trong số hàng triệu ứng dụng đang tồn tại trên thế giới. Một
thực tế phũ phàng là có đến 60% ứng dụng trên App Store và Google Play
thậm chí còn chưa bao giờ được tải về. Chưa kể, viết được một phần mềm
hay đã khó, duy trì được thành công còn khó hơn.
Cạnh tranh gay gắt là vậy nhưng ở Việt Nam, nghề viết ứng dụng mobile
vẫn thu hút sự quan tâm lớn không chỉ do nguồn lợi vô tận mà nó mang
lại, mà còn bởi đây đã trở thành xu thế mới. Ông Nguyễn Lâm Phương, Giám
đốc công nghệ của FPT, cho hay: "Hồi trước người ta nói là hoặc di động
hoặc không, còn ngày nay hầu hết các ứng dụng ra đời đều là 'mobile
first', tức ngay từ đầu đã được lập trình để hoạt động trên thiết bị di
động. Việt Nam đang bắt nhịp xu hướng rất nhanh và đây là tín hiệu tốt
cho ngành công nghiệp. Tuy vậy, các trường đại học đang chuyển mình hơi
chậm trong việc dẫn dắt và đào tạo học sinh, sinh viên. Đa số mọi người
viết ứng dụng thông qua sự tìm hiểu, học hỏi từ bạn bè, lên các diễn
đàn".
Chính vì lập trình ứng dụng di động còn
là một mảng mới và hình thành tự phát nên hiện nguồn cung không đủ cầu.
Một số trung tâm đã mở lớp đào tạo lập trình di động để đón đầu xu
hướng trên thị trường lao động thời gian tới. Ngoài ra, nhiều tổ chức,
doanh nghiệp cũng đang phát động những cuộc thi có quy mô lớn để tìm
kiếm tài năng cùng những ý tưởng sáng tạo.
![]() |
Nhiều doanh nghiệp tìm kiếm tài năng lập trình ứng dụng thông qua các cuộc thi, như Mobile Robot Challenge của FPT. Ảnh: Nguyên Anh.
|
Chỉ tính riêng trong tháng 11 này đã
xuất hiện một số cuộc thi tầm cỡ. Chẳng hạn, ngày 23/11, FPT đã tổ chức
vòng chung kết cuộc thi viết ứng dụng di động trên hệ điều hành Android
để điều khiển robot (Mobile Robot Challenge). Đại diện ban tổ chức cho
hay ngoài mục đích tạo sân chơi bổ ích cho sinh viên ngành công nghệ
thông tin, thông qua cuộc thi, FPT cũng mong muốn tìm kiếm được những
sinh viên có đủ năng lực để tham gia vào những dự án nghiên cứu của tập
đoàn này trong thời gian tới.
Ngày 28/11, trong khuôn khổ sự kiện
Olympic Tin học Sinh viên Việt Nam lần thứ 22 và Kỳ thi lập trình sinh
viên Quốc tế ACM/ICPC Châu Á 2013, Bộ Giáo dục và Đào tạo, công ty
Huawei Việt Nam và Đại học Duy Tân (Đà Nẵng) cũng sẽ phát động cuộc thi
Sáng tạo Ứng dụng Di động 2013 (vòng chung kết diễn ra vào tháng 4/2014,
tham khảo tại khuyenkhichsangtaoviet.com). Điểm ấn tượng của cuộc thi
viết phần mềm trên nền tảng Android này là tổng giá trị giải thưởng lên
đến 1 tỷ đồng, trong đó có 2 giải nhất, mỗi giải 100 triệu đồng. Đây có
thể nói là con số kỷ lục trong các cuộc thi ứng dụng di động từng xuất
hiện ở Việt Nam. Các sinh viên đoạt giải, sau quá trình học tập và tốt
nghiệp ra trường, sẽ được ưu tiên xem xét tạo cơ hội vào làm việc tại
tập đoàn Huawei trên toàn cầu.
![]() |
Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng Huawei phát động cuộc thi viết ứng dụng với tổng giá trị giải thưởng lên tới 1 tỷ đồng.
|
Lý giải về giá trị giải thưởng lớn dành
cho cuộc thi, ban tổ chức cho biết hiện tỷ lệ người sử dụng điện thoại,
smartphone ở Việt Nam ngày càng cao, đặc biệt là giới trẻ. Tuy nhiên,
những ứng dụng di động nói chung và ứng dụng cho smartphone nói riêng do
người Việt tự viết và dành riêng cho người Việt dùng lại còn quá ít,
chưa tương xứng với tiềm năng và nhu cầu sử dụng. Không gian và tiềm
năng sáng tạo của giới trẻ Việt Nam rất lớn, nhưng hiện nay đang rất
thiếu những sân chơi để họ phát huy, nhất là những sân chơi về công
nghệ. Vì vậy, Bộ Giáo dục và Đào tạo muốn cùng Huawei tổ chức cuộc thi
viết các phần mềm và ứng dụng di động nhằm thúc đẩy phát triển kho ứng
dụng Việt dành cho người Việt, từ đó thúc đẩy phát triển ngành công
nghiệp nội dung số của Việt Nam. "Chúng tôi luôn đánh giá cao tiềm năng
trí tuệ Việt Nam trong ngành CNTT-TT,
đặc biệt là tiềm năng sáng tạo của giới trẻ Việt Nam. Chúng tôi mong
muốn qua cuộc thi này có thể truyền cảm hứng, khuyến khích tinh thần đổi
mới và sáng tạo của thanh niên, sinh viên Việt Nam vì họ là tương lai
của ngành công nghiệp ICT Việt Nam", ông Yuan Song, Tổng Giám đốc Huawei
Việt Nam, chia sẻ.
Trong khi đó, ông Trương Tiến Vũ,
Trưởng Khoa CNTT, Đại học Duy Tân Đà Nẵng, cũng nhận định truyền thông
di động (mobility) là một trong những xu hướng công nghệ đang phát
triển mạnh mẽ nhất hiện nay trong lĩnh vực CNTT-TT. Do đó, đầu tư cho
ứng dụng di động và phát triển nguồn nhân lực lập trình viên ứng dụng di
động cũng góp phần quan trọn cho mục tiêu hoàn thành Đề án "Đưa Việt
Nam sớm trở thành nước mạnh về CNTT-TT" mà Chính phủ đang triển khai
thực hiện.
---------------------------------------------------------------------------------------------------------
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét